Nghề, làng nghề truyền thống của người Tày - Nùng ở Cao Bằng
Các làng nghề thủ công truyền thống trên địa bàn tỉnh ta được hình thành từ thế kỷ XI - XVI, thường tập trung theo từng nhóm dân tộc. Làng nghề Cao Bằng là một trong những làng nghề truyền thống lâu đời .
Người Tày ở xã Phong Châu (Trùng Khánh) gìn giữ và phát huy nghề đan lát truyền thống.
Huyện Quảng Uyên có các làng nghề chuyên rèn sắt, đúc gang, trồng bông dệt vải, ở các xóm: Phja Chang, Pác Rằng, Khào, Tình Đông (xã Phúc Sen); làm ngói máng (ngói âm dương) ở xóm Canh Man (Chí Thảo), đan lát mây tre ở Lũng Rì, Lũng Kác (Tự Do); đan nón lá ở xóm Lạc Diễn (Hồng Định), Bản Phảng (Tự Do); làm giấy dó tại Lũng Rì, Lũng Ỏ, làm hương tại bản Phja Thắp (Quốc Dân). Làng nghề nuôi tằm kéo tơ, nhuộm sợi màu, dệt thổ cẩm của người Tày tại các xã: Đức Long, Dân Chủ, Nam Tuấn, thị trấn Nước Hai (Hòa An); Đào Ngạn, Trường Hà (Hà Quảng). Đan lát mây tre mỹ nghệ ở Canh Tân, Minh Khai, Quang Trọng, Đức Thông (Thạch An). Nghề gốm tại làng Cầu Khanh, xã Bế Triều và thị trấn Nước Hai (Hoà An)...
Sản phẩm của làng nghề truyền thống đã tạo nên nét riêng biệt, độc đáo của địa phương, dân tộc. Những sản phẩm rèn sắt, đúc gang, trồng bông, kéo sợi dệt vải, kỹ thuật nhuộm chàm, kỹ xảo pha màu dệt thổ cẩm của người Tày, Nùng vừa đa dạng, vừa độc đáo cả trong màu sắc, hoa văn, tạo dáng sản phẩm rất gần gũi, thân thiện với đời sống của người miền núi. Các loại sản phẩm, như: dao, búa, liềm, cày, cuốc, dậu, bồ, chiếu cót, các nét hoa văn trên nền thổ cẩm đến cấu trúc của từng ngôi làng, nếp nhà, cách sắp xếp..., làm cho khách du lịch ngạc nhiên và thán phục. Các sản phẩm của làng nghề truyền thống tỉnh ta đều sử dụng nguồn nguyên liệu ngay tại địa phương, vì vậy mang biểu trưng văn hóa truyền thống cao. Những kiểu tạo dáng của các nghệ nhân thành sản phẩm cụ thể, như: những kiến trúc cho từng ngôi nhà của từng dân tộc làm cho khách có cảm giác gần gũi, thân thiện.
Làng nghề truyền thống còn là nơi tổ chức các lễ hội nhằm nhắc nhở thế hệ sau về lòng tôn kính, niềm tự hào với những giá trị nghề nghiệp mà cha ông để lại và khuyến khích sự truyền nghề kế tục. Thể hiện những giá trị văn hóa truyền thống, đặc biệt là dấu ấn văn hóa dân gian. Những lễ hội ấy mang lại nhiều ý nghĩa, thể hiện nhiều giá trị, là dịp hội tụ du khách đến làng nghề.
Việc bảo tồn và phát triển làng nghề truyền thống ở Cao Bằng không chỉ nhằm đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế, xã hội nói chung mà còn đáp ứng nhu cầu bảo tồn các giá trị văn hóa truyền thống của các dân tộc thiểu số, miền núi.
Nguồn : Caobangpro.com
Nhận xét
Đăng nhận xét